Lĩnh vưc in ấn – xuất bản là một nghành công nghiệp dịch vụ phát triển mạnh mẽ đặc biệt trong những thập niên gần đây. Công nghệ bùng nổ, các trang thiết bị máy móc hiện đai tiên tiến đã được ứng dụng rộng rãi trong các xưởng in như máy in offset công nghệ in full 4 màu, in nhanh kỹ thuật số… Vậy quy trình thao tác kỹ thuật cần thưc hiện trên máy in offset là gì? An Anh mời các bạn theo dõi ở bài viết sau nhé.
1. Những lưu ý trước khi thực hiện thao tác in:
- Phân công trách nhiệm công việc:
Trách nhiêm của từng thợ in được phân công rõ ràng cụ thể, khác nhau trong suốt quá trình chuẩn bị máy. Người thợ in phải nắm rõ công việc của mình và có sự phối hợp với nhau trong suốt quá trình in theo trách nhiệm đã được phân công. Trách nhiệm này thuộc về người trưởng máy, người phải biết cách tổ chức và giám sát đội ngũ của mình. Mỗi người thợ khi được tổ chức phân công tốt sẽ biết họ phải làm gì và làm điều đó vào lúc nào. Ví dụ, hai người thợ in có thể làm nhiệm vụ thay bản và tấm cao su, nhưng công việc chỉ hiệu quả khi một người thợ làm chính và một người phụ trên từng đơn vị in.
- Vật liệu in:
Phải có các vật liệu cần thiết tại các đơn vị in tại thời điểm cần thiết. Các vật liệu in cho công việc in kế tiếp phải được chuẩn bị sẵn sàng đâu vào đó khi công việc in trước đó vừa kết thúc. Giấy in, mực in và dung dịch làm ẩm cũng nên được kiểm tra lại và chuẩn bị sẵn sàng. Nếu có nhu cầu cần thay đổi một màu in nào đó thì các chất tẩy rửa nên được chuẩn bị sẵn tại máy in
- Các bản in:
Nên chuẩn bị sẵn sàng và kiểm tra trước, các tấm cao su phải được bố trí sắp đặt để khi cần có thể lấy ra và lắp trên ống cao su, chuẩn bị sẵn các tờ bọc lót đã được đo và cắt xén phù hợp để bọc các ống cao su...
- Chuẩn bị tờ in chạy thử:
Không thể giảm các tờ in thử xuống tới mức thấp nhất để hoàn tất gấp rút việc chuẩn bị máy in. Máy in được chạy ở vận tốc được thiết lập từ trước, ví dụ như khoảng 6000 tờ/giờ. Khi bắt đầu in sản lượng thì vận tốc in sẽ được tăng lên tới vận tốc khoảng 2/3 tốc độ tối đa và tăng dần khi cần thiết, để đảm bảo cho máy có độ bền cao người ta chỉ chạy khoảng ¾ tốc độ tối đa
2. Chuẩn bị máy in
- Chuẩn bị máy in ở mức đơn giản:
Chuẩn bị máy đơn giản thường được thực hiện trên các máy in một màu dùng để in sách và các mẫu biểu. Công việc chỉ bao gồm việc thay bản, mực in còn lại trên máng, canh chỉnh lô máng mực và hệ thống làm ẩm, thay đổi khổ giấy …
- Chuẩn bị máy in cục bộ:
Việc này xảy ra trên các máy in một màu và hai màu dùng để in 4 màu. Sau khi in xong hai màu đầu tiên máy in được dừng lại và rửa sạch các hệ thống cấp mực; lắp các bản in mới lên; các tấm cao su và các tờ bọc ống có thể được giữ nguyên. Các tờ in ở bàn ra giấy được lấy ra và đưa vào bàn nạp giấy, các thông số về tay kê ở bàn nạp giấy hoặc ra giấy không cần phải thiết lập lại. Hệ thống cấp mực rửa xong thì cho mực in mới lên máng mực và canh lại cho màu in mới.
- Chuẩn bị máy lại toàn bộ:
Đây là cách chuẩn bị máy in một cách toàn bộ từ đầu đến cuối, bao gồm tất cả các bước cần thiết để bắt đầu cho một công việc in mới hoàn toàn. Đây cũng là cách hay được áp dụng nhiều nhất. Quá trình này bao gồm:
+ Tiến hành rửa máy toàn bộ đối với máy in một màu và hai màu; nếu in trên máy in 4 màu cũng sử dụng lại chính 4 màu in trước và không cần phải rửa hệ thống cấp mực tại các đơn vị in. Việc rửa máy hay rửa hệ thống cấp mực thường dựa vào công việc in trước đó.
+ Bản in và các tờ bọc ống được thay đổi và tiến hành lau sạch bề mặt tấm cao su.
+ Các thông số thiết lập cho bàn nạp giấy, các tay kê và bàn ra giấy thường được thay đổi.
3. Các thao tác trong chuẩn bị máy in offset
Các thao tác trong chuẩn bị máy in offset nên tuân thủ một qui trình chuẩn bị đã được thiết lập sẵn. Việc chuẩn bị máy in tốt sẽ giúp giảm thời gian dừng máy giữa chừng và tăng năng suất in. Bên cạnh đó cần phải áp dụng chế độ bảo trì thích hợp, kiểm tra chính xác các công đoạn trước in, kết hợp với việc giảm thời gian dừng do nhưng nguyên nhân khách quan khác như lỗi vật liệu hoặc lỗi do kế hoạch sản xuất.
Cách tốt nhất để giảm thời gian dừng máy in vẫn là phối hợp hiệu quả giữa các người thợ in trong cùng một ca. Hãy hình dung việc chuẩn bị in giống như điểm dừng tiếp nhiên liệu của một cuộc đua xe thể thao.
Quy trình chuẩn bị máy được thực hiện bởi các bước như sau:
1. Đọc kỹ lệnh sản xuất.
2. Kiểm tra bài mẫu, bản in, giấy in và mực in có tương thích với yêu cầu không?
3. Canh chỉnh cơ học việc vận chuyển giấy.
4. Bọc ống và lắp các bản in
5. Kiểm tra các tấm cao su mới nếu cần.
6. Chuẩn bị các hệ thống làm ẩm.
7. Chuẩn bị cho hệ thống cấp mực.
8. Kiểm tra lại một lần nữa.
9. In các tờ in thử
10. Kiểm tra các tờ in thử
Tờ in đầu tiên được kiểm tra về vị trí của phần tử in. Nếu chỉ có một màu xuất hiện trên tờ in này thì hình ảnh đã được định vị trên giấy in
11. Kiểm tra lại việc định vị, chồng màu các hình ảnh in, chất lượng tờ in và màu sắc.
Bảo đảm rằng hình ảnh phải đặt ở vị trí chính xác và vuông góc với cạnh của tờ in. Nếu vị trí của phần tử in bị lệch sang một bên thì điều chỉnh lại tay kê hông và vị trí của chồng giấy in. Nếu hình ảnh in bị lệch về phía trước hay cách xa cạnh bắt nhíp thì điều chỉnh ống bản một cách tương ứng. Nếu in trên máy nhiều màu, tất cả các màu in được in ra cùng một lúc trên tờ in thử đầu tiên phải được chồng khít lên nhau, giữa màu này với màu kia trên tờ in
12. Duy trì màu sắc ổn định.
Trước khi bắt đầu chuẩn bị cho lần chạy máy kế tiếp, giấy in của công việc in trước được lấy ra khỏi bàn ra giấy, các bản in được lấy ra và được cất giữ để có thể dùng đến sau này. Các tấm cao su bị hỏng thì cũng cần phải được thay mới. Nếu có thay màu in thì phải rửa lại hệ thống cấp mực và cũng có thể rửa luôn cả hệ thống làm ẩm.
Từ bước 9 đến bước 11 cần được lặp đi lặp lại cho đến khi in được một tờ in có chất lượng mà khách hàng chấp nhận. Tờ in đó thường được gọi là tờ in chuẩn.
4.Những chú ý về chất lượng và màu sắc in trên máy in offset
- Chất lượng của tờ in
Chất lượng của tờ in ngay sau các tờ in thử chưa chắc là chính xác. Hai khuyết điểm chính ảnh hưởng đến chất lượng tờ in có thể nhận ra từ các tờ in thử này, một là hiện tượng tờ in non mực là do việc cung cấp dung dịch làm ẩm quá nhiều hoặc cấp mực thiếu và hai là tờ in bị đẫm mực do cấp mực quá mức. Các vấn đề khác ảnh hưởng đến chất lượng tờ in bao gồm hiện tượng nhiễm mực và bít các hạt tram, hiện tượng tờ in xuất hiện các đốm mực nhỏ, các tờ in nổi hạt (sần), các tờ in bị dính vào các tấm cao su và các tờ in bị cong quá mức trên chồng giấy in ra. Hầu hết các vấn đề này đều do làm ẩm không đúng.
Do đó, người thợ in phải nhận ra được nguyên nhân chính và điều chỉnh thích hợp cho hệ thống cấp và làm ẩm, trong khi đang cố gắng đạt được sự cân bằng mực nước ở tình trạng thấp nhất có thể được. Khi phần tử in không truyền chính xác từ tấm cao su lên giấy in do áp lực quá lớn giữa ống cao su và ống ép, cần phải kiểm tra và điều chỉnh lại áp lực cần thiết.
- Màu sắc của tờ in trên máy in offset
Khi bắt đầu nhận được các bản in đạt chất lượng thì người thợ in phải điều chỉnh hệ thống cấp mực cho đến khi in no màu. Tờ in phải được quan sát dưới những điều kiện ánh sáng chuẩn (5000K). Bản in thử đã được ký bông kèm theo từng công việc in ấn sẽ giúp cho người thợ in dựa vào đó mà canh chỉnh hệ thống cấp mực. Một tờ in thử được đưa ra không phù hợp thì sẽ có khả năng không in được trên máy in offset.